Diễn biến của trận mưa lịch sử Lũ lụt Miền Bắc Việt Nam 2008

  • Đêm thứ Năm, 30 tháng 10 năm 2008: Mưa rải rác trong đêm và có lúc có mưa lớn.
  • Ngày thứ Sáu, 31 tháng 10 năm 2008: Trong buổi sáng nhiều khu vực đã ngập khá nặng. Trời tiếp tục mưa lớn và mưa liên tiếp cộng với gió lớn thổi mạnh. Nhiều người không thể đến công sở. Theo Công ty Thoát nước Hà Nội mưa lớn bắt đầu từ 0h30 sáng. Tổng lượng mưa đo được là: đường Láng 155,6mm; Hà Đông: 330 mm; nội thành: 58 mm. Mưa tập trung tại khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai và phía nam quận Ba Đình. Mực nước các sông hồ dâng lên nhanh từ 1,5 đến 2 m so với mức nước ban đầu[22].
  • Ngày thứ Bảy, 1 tháng 11 năm 2008: Mưa nhiều liên tục và có những trận mưa rất nặng hạt, trắng xóa trời đất. Mọi người tiếp tục phải nghỉ làm. Bắt đầu thấy Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đi thị sát, cho biết: "Sáng hôm qua (1/11), thành phố họp tổng kết vấn đề tôn giáo, chiều tôi đi ô tô kiểm tra các điểm ngập lụt trong nội thành, hôm nay đi ra ngoại thành. Từ chiều qua lãnh đạo thành phố đều đi kiểm tra hết" và thấy "tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm"[23].
  • Sáng Chủ nhật, 2 tháng 11 năm 2008: Trời ngớt mưa và hửng nắng một chút rồi lại tiếp tục mưa vào buổi trưa. Có dự báo sẽ mưa ít nhất 2 ngày nữa. Cũng trong ngày này gió mùa đông bắc về, thổi mạnh và đem theo hơi lạnh làm nhiệt độ từ trên 30 độ C giảm xuống còn trên 20 độ C. Nước trên các triền sông phía Bắc và Bắc Trung bộ lên cao đến mức báo động số 3. Nhiều nơi bắt đầu đe dọa bị vỡ đê.
  • Ngày thứ Hai, 3 tháng 11 năm 2008: Mưa rải rác song chưa dứt vào buổi sáng, đến chiều trời trong hơn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo[24]. Bắt đầu thấy Thủ tướng khẳng định không để dân đói[25]. Còn 63 điểm ngập úng và mực nước ngập mới giảm được 4 cm![26]. Mực nước sông Nhuệ lên trên báo động 3, ngấp nghé tràn bờ. Đê sông Hồng xuất hiện 13 điểm sạt lở, có đoạn dài tới 100 m. nước sông đã cao hơn đập Thịnh Liệt 7 cm. Đê tả sông Nhuệ đang đối mặt với nguy cơ vỡ. Lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo, đặt nhiệm vụ hộ đê lên hàng đầu[27]. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát bày tỏ quan điểm: "Hà Nội chậm chạp trong giúp dân" và nói thêm: ""Đáng lẽ Hà Nội phải đưa xe cao cầu ra chỗ ngập lụt, chở người dân hoặc xe cứu thương cần đi qua. Vừa qua, nếu ai đó chẳng may nhồi máu cơ tim, chắc là chết"[28]
  • Ngày thứ Ba, 4 tháng 11 năm 2008: Nửa đêm về sáng mưa nhiều vào lúc gần sáng mưa rất to. Nước lại dâng lên tại các điểm úng ngập. Mọi người đi làm phải mặc áo mưa, lội nước và dầm mình trong cái rét đầu mùa để đến công sở. Từ 2h sáng trở đi đã hết mưa, nước bắt đầu rút rõ ràng từng giờ. Trời tạnh, song có tin xấu là nước dâng cao và có nguy cơ vỡ đê. Dự báo, trong 3 ngày tới, miền Bắc tiếp tục mưa. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc nước trên các sông tiếp tục đổ về Hà Nội. Mực nước sông Hồng đang lên nhanh. Con số thiệt hại do mưa lũ tiếp tục gia tăng, với 75 người chết và 5 người mất tích. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nghệ An có nhiều người thiệt mạng nhất với 22, tiếp theo là Hà Tĩnh 15 người[29].
  • Ngày thứ Tư, 5 tháng 11 năm 2008: 10.318 hộ dân đã được di dời khỏi khu vực ngập. Mạng lưới đê điều của Hà Nội vẫn đang bị sạt lở nghiêm trọng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị quân đội ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ khi nguy cấp do có tin sắp mưa lớn tiếp và đê Hà Nội khó trụ vững nếu lại mưa lớn[30]. Có nhiều khu vực đông dân cư vẫn bị ngập nặng như Tân Mai, Linh Đàm, Định Công, Nam Đồng. Mực nước sông Hồng tiếp tục lên nhanh. Trong khi đó, mực nước các sông lân cận như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Cà Lồ đang xuống chậm, sông Nhuệ chỉ giảm được 50 cm so với đỉnh lũ. 5 trong số 7 hồ chứa lớn của Hà Nội có mức nước vượt ngưỡng tràn từ 10 cm trở lên. Đến hết ngày 4 tháng 11 năm 2008, con số thiệt hại về người và tài sản do mưa ngập trên địa bàn Hà Nội vẫn không ngừng tăng lên. Hiện đã có 22 người chết (4 người ở nội thành), hơn 78.000 hộ dân bị ngập, gần 10.300 hộ phải di dời. Diện tích lúa, rau, cây hoa màu bị ngập lên tới gần 60.000 ha. Báo Lao động đưa ra nguồn tin mới, trong đó cho hay có tới 90 điểm ngập úng trong nội thành Hà Nội, và đến 4 tháng 11 mới giảm xuống còn 44 điểm[31].
  • Ngày thứ Năm, 6 tháng 11 năm 2008: Nắng to, trời quang, mây tạnh. Nước đã rút ở hầu hết các nơi, song vẫn có bài viết về chuyện chèo xuồng đến công sở, cho hay: "6 ngày sau trận mưa lịch sử trút xuống Hà Nội, toàn bộ khu vực Giáp Bát ngập sâu trong nước. Phương tiện được coi là an toàn nhất đưa nhân viên Trung tâm Thông tin Di động VMS - MobiFone khu vực I có trụ sở tại đây là xe thồ ngựa kéo, thuyền hoặc bè tự tạo[32]. Nhiều công việc kinh doanh tiếp tục bị đình trệ vì cơn mưa lịch sử. Nguy cơ mưa to vẫn treo lơ lửng trên đầu. Nếu tối 4/11 mưa thêm 100 mm, Hà Nội sẽ có thêm chừng 8 triệu m3 nước và nhiều khu vực sẽ ngập trở lại[33].
  • Ngày thứ Sáu, 7 tháng 11 năm 2008: Đêm gần sáng có một trận mưa rất to, song kết rất nhanh và cả Hà Nội thở phào vì mưa lớn đã qua và nguy cơ vỡ đê không còn. Một chuyện hiếm có và đang ghi nhận như một trong những hành vi dũng cảm và văn minh nhất có thể có là "Bí thư Hà Nội xin lỗi người dân"[34] vì đã lỡ lời trong một cuộc phỏng vấn trước đó và cho là dân "ỷ lại". Sự kiện mưa, lũ và lụt lớn ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ, đặc biệt Hà Nội, kết thúc ở đây.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lũ lụt Miền Bắc Việt Nam 2008 http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/CKX/2008/11/2... http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/811500/ http://vietnamnet.vn/xahoi/event/10421/ http://www.hanoi.gov.vn/hnportal/news2_ref/grp3/it... http://www.hanoi.gov.vn/hnportal/news2_ref/grp3/it... http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/11/3BA080BF/ http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/811681/ http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/11/3BA080C... http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/10/3BA07F4...